Chăm sóc sức khỏe cơ thể khi mùa hè về!

05/05/2025

Mùa hè ở miền Bắc thường trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, đây là cơ hội cho các loại virus, vi trùng sinh sôi và phát triển, gây ra các bệnh dịch đặc biệt là các bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc…

Đây không phải là những bệnh nan y, nhưng các bệnh truyền nhiễm mùa hè nếu không chủ quan phòng tránh sẽ dẫn tới biến chứng nặng, thậm trí gây nguy hiểm đến tính mạng, chi phí tốn kém do chưa có thuốc đặc trị. Chăm sóc ăn uống, tập luyện đều đặn là điều tiên quyết, hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các bệnh, bởi chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là một số chú ý về chế độ dinh dưỡng các bạn có thể tham khảo:

Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể

Thường vào mùa hè thân nhiệt cao, cơ thể thường chảy mồ hôi để tránh tình trạng mất nước cần bổ sung nước kịp thời để bù lại lượng nước đã mất, và nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể. Chúng ta có thể bổ sung nước bằng các loại sau:

Nước lọc: trung bình mỗi người nên uống khoảng từ 1.5 đến 2 lít nước mỗi ngày

Ngoài nước lọc, các loại nước khác cũng cung cấp nguồn nước cho cơ thể như sữa, trà xanh, trà bạc hà, trà gừng, nước hoa quả…

Sữa là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể, giúp tăng đề sức đề kháng, cải thiện chức năng tiêu hóa, bảo vệ hệ xương khớp, tim mạch.

Nước hoa quả: mỗi ngày 01 ly nước hoa quả sẽ giúp cơ thể có sức khỏe tốt, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư và tim mạch, cung cấp hàm lượng cao các loại vitamin, khoáng chất, chống oxy hóa thiết yếu cho cơ thể.

Cung cấp nhiều rau xanh, hoa quả cho cơ thể

Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, vào mùa hè nhu cầu về rau xanh càng tăng cao. Người trưởng thành cần 300 – 400 gram rau/ ngày, rau sẽ cung cấp các chất xơ, vitamin C – B1 – B2, Vitamin A, canxi, sắt…giúp tiêu hóa thức ăn, tác dụng tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn, giúp giảm cân ở người béo phì, giảm hấp thụ lipid, đồng thời, làm giảm cholesterol toàn phần trong máu.

Các món rau trong mùa hè là rau muống, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi, bầu, cà tím…Rau sống, rau tươi cũng là thực đơn được nhiều người lựa chọn. Rau sống là loại rau hấp thụ được nhiều vitamin nhất, ăn trực tiếp mà không qua chế biến. Nhưng các bạn nên tìm nguồn rau sạch, cần phải rửa sạch, ngâm kỹ trong nước sạch, nước muối trước khi ăn vì loại rau này chưa qua chế biến cũng dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh.

Đậu xanh, đậu đen

Hai loại đậu này có vị ngọt, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan. Riêng đậu xanh còn có tác dụng giải độc, chữa lở loét, làm sáng mắt, hạ huyết áp, bổ dạ dày…thích hợp bệnh nhân say nắng, miệng khát, người nóng, thấp nhiệt, ung nhọt v.v….

Không chỉ có tác dụng hạ nhiệt, đậu xanh, đậu đen còn là thực phẩm bổ dưỡng, dễ ăn cho nhiều người trong thời tiết mùa hè nóng nực.

Cung cấp thực phẩm giàu protein

Protein có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, sữa, trứng, hải sản, phô mai, sữa chua….giúp bù đắp năng lượng bị tiêu hao, phục hồi độ săn chắc của cơ bắp, chế độ ăn giàu protein cũng có thể giúp giảm huyết áp, chống lại bệnh tiểu đường, v.v.

Thực phẩm giàu chất béo

Bổ sung các chất béo tốt như Acid béo Omega 3, 6…giúp cơ thể tích trữ năng lượng để bảo vệ cơ thể, chuyển hóa thức ăn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, các loại thực phẩm giàu chất béo lành mạnh như cá hồi, cá ngừ, hải sản, trứng, hạnh nhân, hạt điều…

Thực phẩm giàu tinh bột

Tinh bột chứa nhiều carbohydrate, cung cấp năng lượng, giúp thể chất sớm trở lại hoạt động bình thường. Các thực phẩm giàu tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, bánh mì,…

Để tránh cơ thể bị kiệt sức, mệt mỏi, chúng ta nên có những thói quen và hạn chế phù hợp để giúp tăng sức đề kháng như sau:

Uống nhiều nước: Nên uống các loại nước không cồn, không có gas, uống các loại nước trái cây… để bù đắp sự mất nước và duy trì lượng nước trong cơ thể. Không nên uống nhiều nước lạnh.

Hạn chế ra ngoài: Khi thời tiết nóng bức, không nên ra ngoài đường khi không có việc. Khi buộc phải ra ngoài đường thì cần bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời.

Tắm nước mát: Nên tắm bằng nước mát ngày 2-3 lần để làm mát cơ thể và loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn.

Mặc trang phục phù hợp: Nên mặc quần áo nhẹ, sáng màu,  đặc biệt là bằng chất liệu cotton.

Tránh làm việc quá tải: Làm việc quá tải khiến cho cơ thể mệt mỏi – đây chính là cơ hội để bệnh tật tấn công bạn.

Hình thành thói quen ngủ tốt: Giấc ngủ rất quan trọng tới sự phát triển và hoạt động hàng ngày của cơ thể người đồng thời giúp trẻ tăng chiều cao.

Dinh dưỡng đầy đủ: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin khiến cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng

Đồ chiên rán, thức ăn nhanh, gia vị cay nóng sẽ khiến cơ thể thêm nóng nực và khó chịu. Đồ cay nóng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dễ dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, táo bón và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao. Thay vào đó, hãy lựa chọn các món ăn hấp, luộc, nướng, sử dụng gia vị thanh đạm để đảm bảo sức khỏe.